Giải pháp đảm bảo sự chuyển tiếp thuận lợi cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào lớp 1

10-05-2021 | Thư viện mầm non
Bước vào lớp 1 là một giai đoạn chuyển tiếp vô cùng quan trọng của trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Cha mẹ và thầy cô cần chuẩn bị những gì để trẻ có một bước chuyển tiếp thuận lợi?

Sự phát triển của trẻ Mẫu giáo 5 tuổi và học sinh Tiểu học là sự phát triển liên tục từ thấp đến cao của một thực thể con người. Sự chuyển tiếp giữa hai giai đoạn này vô cùng quan trọng. Cha mẹ cũng như các nhà giáo dục cần có những giải pháp giúp trẻ có một sự tự tin và sẵn sàng để bước vào môi trường mới. 
Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm sẽ giúp trẻ nói lên ý tưởng, trẻ sẽ chia sẻ những hiểu biết của trẻ với cô với các bạn. Việc giáo dục này cần đảm bảo hứng thú, nhu cầu, khả năng, thế mạnh của mỗi đứa trẻ đều được hiểu, đánh giá đúng và được tôn trọng; mỗi đứa trẻ đều có cơ hội tốt nhất có thể để thành công. Khi đó, người giáo viên sẽ nắm bắt được suy nghĩ của trẻ ở lớp, giáo viên sẽ khuyến khích trẻ mạnh dạn thể hiện mình hơn, mạnh dạn trong giao tiếp vì thế khả năng hiểu biết về các mối quan hệ trong xã hội của trẻ sẽ nhiều hơn. Điều này tạo tiền đề rất tốt cho việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một.
Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi trải nghiệm. Trong quá trình trẻ chơi, trẻ sẽ học được rất nhiều điều trong cuộc sống, học cách hợp tác với bạn để hoàn thành nhiệm vụ. Tận dụng các tình huống thực tế trong khi chơi để giúp trẻ trải nghiệm, khám phá thực hành giải quyết vấn đề, khám phá cái mới. Ví dụ: trong tình huống thiếu đồ chơi trẻ sẽ tìm đồ vật khác thay thế. Trong tình huống xảy ra xung đột giữa các trẻ sẽ dạy trẻ cách thỏa thuận, giải quyết mâu thuẫn bằng lời.
Điều này rất quan trọng đối với việc chuẩn bị cho trẻ vào môi trường mới, giúp trẻ mạnh dạn tự tin hòa đồng cùng bạn, giáo dục trẻ tính làm việc chung nhóm, tinh thần tập thể cao cùng giải quyết vấn đề. Trẻ có thể chia sẽ ý tưởng khi chơi, chấp nhận ý tưởng của trẻ, không áp đặt ý của mình.
Đối với trẻ 5 tuổi, đặc biệt các lớp học cần trang trí, tổ chức môi trường chữ viết trong lớp phong phú để trẻ được “tắm mình trong chữ viết và số” , điều đó giúp trẻ làm quen chữ cái, con số một cách tự nhiên.

Trẻ được tắm mình trong chữ cái và số
Trẻ được tắm mình trong chữ cái và số

Môi trường hoạt động bên ngoài (khuôn viên trường):
Các khu vực chơi ngoài trời cho trẻ cần được bố trí sắp xếp gọn gàng, an toàn, sạch đẹp. Đồ chơi đảm bảo an toàn, vệ sinh cho trẻ. Có nhiều đồ chơi ngoài trời để trẻ tự do vui chơi, giáo viên cần chú ý không áp đặt trẻ chơi một loại trò chơi nào liên tục như thế sẽ tạo cảm giác nhàm chán cho trẻ.
Môi trường chữ viết không chỉ được tạo ở lớp học mà người cán bộ quản lý cần tạo thêm mọi lúc mọi nơi trong khuôn viên trường. Tận dụng khoảng không gian dưới cầu thang để tạo góc thư viện cho trẻ với tất cả đồ dùng trang trí đã qua sử dụng như: hàng rào từ khu vực nhà ăn của trẻ không dùng đến, cây xanh được làm từ báo cũ, chậu trầu bà tận dụng từ chai dầu ăn, kệ đựng truyện từ thùng nước rửa chén, bộ bàn ghế từ thùng phuy … nhà trường còn lót cỏ nhân tạo để trẻ có thể đến ngồi đọc sách. Xây dựng lịch để mỗi buổi sáng vào giờ hoạt động ngoài trời, giáo viên các lớp có thể cho trẻ đến đây đọc sách, qua đó phát triển ngôn ngữ cho trẻ nhiều hơn.  

 

Góc thư viện bên ngoài lớp học
Góc thư viện bên ngoài lớp học


Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp Một
Một trong những yêu cầu quan trọng để giúp trẻ vào học tốt chương trình tiểu học là cần chuẩn bị cho trẻ về thể lực, trí tuệ, tình cảm – xã hội, ngôn ngữ, một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập.
Chuẩn bị về thể lực
Không chỉ đơn thuần là phát triển chiều cao và trọng lượng cơ thể mà còn là sự chuẩn bị năng lực làm việc bền bỉ, dẻo dai, có khả năng chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp, độ khéo léo của bàn tay, tính nhạy của các giác quan. Để có được các phẩm chất đó, cần tạo một chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập … cho trẻ một cách khoa học và hợp lí cả về thời gian cũng như phù hợp với đặc điểm phát triển riêng của từng trẻ.
Chuẩn bị về mặt phát triển trí tuệ
Rèn luyện các thao tác trí tuệ, kích thích những hứng thú của trẻ về tính ham hiểu biết, kích thích khám phá những điều mới lạ qua các hoạt động: phát hiện, so sánh các đặc điểm riêng biệt của các sự vật, hiện tượng, biết phán đoán, suy luận, khả năng định hướng trong không gian và thời gian.
Chuẩn bị về tình cảm - xã hội
Sự phát triển các mặt tình cảm - xã hội là tiền đề quan trọng cho việc học và phát triển toàn diện nhân cách của trẻ. Hãy để trẻ tự làm và người lớn chúng ta là khích lệ trẻ: biết cách ứng xử với mọi người xung quanh, biết được vị trí của mình trong gia đình, xã hội, biết ứng xử phù hợp là những sự chuẩn bị rất cần thiết để giúp trẻ thích nghi tốt với môi trường học tập mới.
Chuẩn bị về ngôn ngữ:
Trẻ có ngôn ngữ mạch lạc phát triển tốt, thì đồng thời các quá trình tâm lý như tư duy, tưởng tượng, trí nhớ, tri giác,…. của trẻ cũng phát triển tốt. Hình thành và phát triển những kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là rất quan trọng. Đó là nền tảng để trẻ hiểu về thế giới chữ viết và tiếp nhận nhiều trí thức mới, tập cho trẻ biết diễn đạt những gì mình muốn nói một cách rõ ràng, mạch lạc, không nói ngọng, nói lắp, nói lí nhí…
Thiết lập mối liên kết giữa trường mầm non và trường tiểu học.
Để tạo điều kiện tốt cho sự chuyển tiếp giữa hai bậc học của trẻ, nhà trường đã thiết lập mối liên kết giữa trường mầm non và trường tiểu học bằng cách cho trẻ 5 tuổi được tham quan, gặp giáo viên và giao lưu với các em học sinh tiểu học để trẻ trải nghiệm thực tế và nhận ra những đặc điểm khác biệt giữa trường tiểu học với trường mầm non.
Việc thiết lập mối liên kết này, đã giúp cho trẻ 5 tuổi làm quen với sinh hoạt ở trường tiểu học, làm quen với học sinh và giáo viên ở đây để không bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1

 

Các bé 5 - 6 tuổi thăm trường tiểu học
Các trẻ mầm non thăm trường tiểu học 

Việc nghiên cứu và đề ra những giải pháp đảm bảo sự chuyển tiếp khoa học giữa hai cấp bậc phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính khả thi đối với công việc chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi bước vào lớp Một, khi chuyển tiếp giữa mầm non và tiểu học phải đảm bảo sự kế thừa, tính khoa học, tính liên tục những kiến thức đã được hình thành ở lứa tuổi mầm non cần phải được củng cố và mở rộng, hoàn thiện ở mức độ cao hơn giúp trẻ không bị những thay đổi đột ngột khi chuyển hoạt động chủ đạo từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập trong nhà trường tiểu học.